Sắp bước vào kì thi THPT quốc gia, trong thời gian này thí sinh nên hệ thống lại kiến thức, đặc biệt tập trung vào phần lí thuyết có được được “nền” điểm vững cho bài thi của mình.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần lí thuyết sẽ chiếm từ 50-60% số câu hỏi trong đề thi THPT quốc gia môn Hóa và các môn thi trắc nghiệm khác. Bởi vậy khi học chắc chắn về lí thuyết, sĩ tử sẽ có thể dễ dàng “kiếm” điểm trong đề thi ở những câu hỏi về kiến thức cơ bản.
Khi đã nắm chắc về kiến thức, thí sinh không chỉ làm đúng, làm nhanh những câu hỏi về lí thuyết, dành thời gian cho những câu hỏi mang tính chất thực hành, đòi hỏi tính toán phức tạp hơn. Đồng thời lí thuyết chắc chắn chính là nền tảng để có thể làm được bài tập.
Do đó, việc ôn luyện nắm chắc lí thuyết là rất quan trọng.
Việc ghi nhớ của não bộ con người theo 2 bước: Bộ nhớ tạm thời và trí nhớ dài hạn. Phần lớn các bạn chỉ học qua loa lí thuyết thì kiến thức chỉ nằm trong bộ nhớ tạm thời, sau một thời gian ngắn, có thể là vài ngày, vài tuần nếu không được “động” đến, kiến thức lại trở thành “mới toanh” đối với nhiều bạn không chú tâm vào việc học.
Để ôn luyện kiến thức về lí thuyết hiệu quả, chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia 2018, những lí thuyết này cần phải được đưa vào trí nhớ dài hạn dựa trên 2 cơ chế: Gây ấn tượng và Lặp đi lập lại.
Các sĩ tử có thể tham khảo và áp dụng những phương pháp ôn luyện lí thuyết môn Hóa dưới đây trong gian đoạn “nước rút” này.
Sử dụng sơ đồ tư duy (Mindmap)
Sơ đồ tư duy Mindmap dùng để gây ấn tượng nhằm tác động lên thị giác của người học. Những yếu tố gây ấn tượng tác động lên thị giác người học gồm: hình vẽ, kí hiệu, màu sắc…
Khi kết hợp lí thuyết với những hình vẽ, đồ họa, màu sắc… sẽ tạo nên những hiệu ứng đặc biệt tác động lên thị giác và não của người học, kích thích hai bán cầu não trái và phải cùng hoạt động, tạo sự hưng phấn. Từ đó giúp người học có tâm thế tiếp nhận kiến thức tốt và dễ dàng nhớ lâu được kiến thức vừa được tiếp nhận.
Các sĩ tử có thể học qua mind map có sẵn trên các trang luyện đề thi uy tín hoặc tự thiết kế Mindmap cho mình sẽ dễ và nhớ lâu hơn.
Lặp đi lặp lại
Các bạn có thể viết đi viết lại nhiều lần để nhớ lí thuyết hay công thức, tuy nhiên cách này lại mất khá nhiều thời gian và công sức, rất dễ mệt, oải khi lượng kiến thức nhiều. Thay vì đó, sĩ tử có thể lặp lại kiến thức bằng cách nghe audio nhiều lần.
Để có được audio về lí thuyết môn Hóa, các bạn có thể tự ghi âm phần kiến thức quan trọng cần phải nhớ hoặc tải những tệp audio này trên các trang luyện thi uy tín.
Nghe audio lí thuyết khi nào và trong bao lâu là đủ?
Lí thuyết là phần kiến thức đòi hỏi phải nhớ lâu và sâu, do đó các bạn nên nghe audio lí thuyết, ôn lí thuyết vào khoảng thời gian mà tiềm thức hoạt động tốt nhất. Những thời điểm tiềm thức hoạt động tốt nhất trong ngày bao gồm: trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy và trong lúc ăn.
Trong đó, thời điểm trước khi đi ngủ và khi ngủ dậy sĩ tử nên dành khoảng 15 phút để nghe. Khi ăn trưa và ăn tối, cũng nên dành 15 phút để nghe. Bạn có thể ăn xong rồi nghe hoặc vừa ăn vừa nghe để tiết kiệm thời gian. Như vậy mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 1h đồng hồ để ôn luyện toàn bộ kiến thức lí thuyết của môn Hóa chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia.
Theo kinh nghiệm, các bạn nên tự ghi âm lại thì tốt hơn bởi tự ghi lại bận sẽ biết được mình còn hổng phần kiến thức nào và có sự bù đắp kịp thời, hiệu quả.
Làm nhiều bài tập
Khi đã học lí thuyết chắc chắn rồi thì các thí sinh sẽ làm bài tập với tốc độ nhanh hơn. Qua các bài tập vận dụng, sĩ tử không những rèn luyện được kỹ năng mà còn hiểu cặn kẽ hơn về lý thuyết. Đây là cách ôn thi nhanh nhất giúp bạn làm chủ lý thuyết khó nhớ của những môn học này.